Lịch sử
Cho đến giữa thế kỷ XIX, tuy nhiều nơi trên mảnh đất Nam Bộ đã hình thành làng xã với ruộng vườn trù, nhưng vùng đất sau này có tên Phước Tân Hưng vẫn còn nhiều bưng biền hoang sơ. Người Việt đầu tiên đến mảnh đất này không nhiều, là những lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không chịu khuất phục triều đình phong kiến, rời xứ sở ra đi để tìm cuộc sống mới. Họ dừng chân bên bờ sông Vàm Cỏ Tây cất chòi trú ngụ, lần lượt kẻ trước người sau, phải đổ bao mồ hôi công sức từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo dựng nên ruộng vườn và làng xóm, dòng kênh.
Thành quả lao động của những lớp người lưu dân đến khai phá và xây dựng vùng đất mới này trước năm 1930 là to lớn và rất đáng khâm phục, họ chung sức chinh phục thiên nhiên với cây rựa chặt cây rừng, lưỡi phảng phát cỏ, chịu đựng nắng mưa mũi mòng, vắt đĩa… Người dân cần cù lao động, khai thác thiên nhiên để kiếm sống, bám ruộng làm lúa nước một năm 2-3 vụ.
Quá trình chinh phục thiên nhiên để tạo dựng cuộc sống mới, những đức tính, truyền thống tốt đẹp vốn có của những người khai phá, như đoàn kết gắn bó, sẵn sàng chia ngọt, sẻ bùi với nhau, trọng tín, nghĩa… Những đức tính ấy được hun đúc thành những phẩm chất truyền thống mà mỗi người dân Phước Tân Hưng từ thế hệ này qua thế hệ khác hết sức quý trọng, nâng niu, giữ gìn và phát huy trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên và đấu tranh chống áp bức và bóc lột.
Cuối thế kỷ XIX, vùng đất mà ngày nay có tên Phước Tân Hưng lúc ấy thuộc địa phận huyện Cửu An, tỉnh Gia Định gồm 4 làng:
- Làng Bình Lục (ấp 9 Hiệp Thạnh ngày nay).
- Làng Đồng Hưng (ấp 1 hiện nay - còn gọi Đồng Hưng Đình, và một phần ấp 7 hiện nay - Đồng Hưng Miễu).
- Làng Bình Phước (ấp 6 và một phần ấp 7 ngày nay).
- Làng Tân Nho (ấp 5 hiện nay).
Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, chúng hình thành bộ máy hành chính mới, đã sát nhập và thay đổi cả địa giới hành chính một số làng. Theo Nghị định ngày 04 tháng 02 năm 1923 do Thống đốc Nam Kỳ COGNACQ ký, đăng trên Công báo và Niên giám Journal Officiel de Cochinchine Annuaire 1923, xã Phước Tân Hưng được thành lập trên cơ sở sáp nhập các làng Bình Phước + làng Tân Bình + Xóm Đồng Hưng (tức là 4 làng cũ Bình Lục, Đồng Hưng, Bình Phước, Tân Nho), thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long An.
Xã Phước Tân Hưng bấy giờ được chia thành 8 ấp:
- Ấp Tham Nhiên (nay là ấp 8).
- Ấp Bình Phước (nay là ấp 6).
- Ấp Đồng Hưng Miễu (nay là ấp 7).
- Ấp Đồng Hưng Đình (nay là ấp 1).
- Ấp Bình Lục Lớn (nay là ấp 2).
- Ấp Bình Lục Nhỏ (nay là ấp 3 Hiệp Thạnh).
- Ấp Tân Nho (nay là ấp 5).
- Ấp Tân Nho Sép (nay là ấp 5).
Tên xã Phước Tân Hưng được giữ đến sau này. Năm 1956 quận Châu Thành được đổi thành quận Bình Phước. Phước Tân Hưng là một xã của quận Bình Phước.
Ngay sau ngày giải phóng miền Nam (1975), chính quyền cách mạng thành lập lại huyện Châu Thành trên cơ sở địa giới quận Bình Phước cũ. Xã Phước Tân Hưng (gồm 9 ấp) trở lại thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Sau đó huyện Châu Thành có sự tách, nhập nhiều lần, nhưng địa giới hành chính và tên gọi xã Phước Tân Hưng không thay đổi.
Hiện nay, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An gồm có 6 ấp: ấp 1, ấp 2, ấp 4, ấp 5, ấp 7 và ấp 8.